Tháng cuối giảm 50% lệ phí trước bạ, thị trường ô tô Việt Nam chỉ tăng trưởng nhẹ

04/11/2024 06:48

Chiều 13/6, Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, doanh số bán hàng toàn thị trường của các đơn vị thành viên trong tháng 5/2022 đạt 43.816 xe các loại, tăng 3,4% so với tháng trước.
crawl-20220613200535452.png?width=700

Xe Toyota Vios.

Trong đó, có 35.210 xe du lịch, tăng 5%; 7.929 xe thương mại, giảm 0,8%; và 677 xe chuyên dụng, giảm 13% so với tháng trước.

Về xuất xứ xe, trong khi doanh số bán của xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 25.580 xe, chỉ tăng 1% thì doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 18.236 xe, tăng 7% so với tháng trước.

Tính chung doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên VAMA toàn thị trường tính đến hết tháng 5/2022 đạt 176.681 xe các loại, tăng 39% so với năm 2021.

Về phân khúc xe, xe ô tô du lịch có doanh số bán đạt 140.109 xe, tăng 57%; xe thương mại đạt 33.677 xe, giảm 5% và xe chuyên dụng là 2.895 xe, tăng 21% so với năm 2021.

Cũng xét theo xuất xứ xe, tính đến hết tháng 5/2022, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước là 105.022 xe, tăng 47% trong khi xe nhập khẩu chỉ là 71.659 xe, tăng 29% so với cùng kì năm ngoái.

Dẫn đầu các đơn vị thành viên VAMA có doanh số bán hàng tốt nhất tháng 5 vừa qua là Toyota Việt Nam khi đạt doanh số 10.579 xe. Tiếp đến là Thaco Kia (8.079 xe), Thaco Mazda (4.396 xe), Mitsubishi Việt Nam (3.279 xe), Honda Việt Nam (3.184 xe), Ford Việt Nam (2.410 xe)…

Dựa theo báo cáo bán hàng của VAMA và TC Group (Tập đoàn Thành Công với thương hiệu xe Hyundai), dẫn đầu toàn thị trường ô tô Việt Nam trong Top 10 mẫu xe bán chạy nhất là Toyota Vios với doanh số 3.887 xe.

Tiếp đến là các mẫu xe: Mitsubishi Xpander (1.979 xe), Mazda CX-5 (1.880 xe), Hyundai Accent (1.824 xe), Kia Seltos (1.737 xe), Toyota Corolla Cross (1.717 xe), Kia K3 (1.684 xe), Ford Ranger (1.675 xe), Honda City (1.664 xe), Mazda3 (1.500 xe).

Theo nhận định của các chuyên gia, tháng 5/2022 cũng tháng cuối cùng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước khi hết hiệu lực, nhưng cũng không tạo được đột phá cho thị trường ô tô trong nước như lần giảm 50% lệ phí trước bạ tương tự của năm trước.

Nguyên nhân có thể nhiều dòng xe được người tiêu dùng ưa thích và săn đón đã và đang xảy ra trình trạng cung không đủ cầu do tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn và linh kiện công nghệ cao trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến khả năng cung ứng sản phẩm ô tô của các doanh nghiệp trong nước.

Còn theo đại diện một liên doanh đến từ Nhật Bản, toàn ngành tự động hóa nói chung và sản xuất ô tô nói riêng đang phải gánh chịu hệ quả nặng nề sau đại dịch COVID-19, các biến động kinh tế - chính trị, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn toàn cầu cùng với việc giá nguyên liệu đầu vào tăng đã ảnh hưởng đến việc sản xuất lắp ráp xe trong nước khiến nhiều mẫu xe phải sản xuất cầm chừng.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, qua số liệu bán hàng trong 5 tháng đầu năm 2022 của các thành viên VAMA cho thấy, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ đã phát huy tác dụng. Cụ thể là trong khi doanh số bán xe sản xuất lắp ráp trong nước tăng đến 47% thì xe nhập khẩu nguyên chiếc chỉ tăng ở mức 29% so với cùng kì năm ngoái.

Qua đó, cho thấy người tiêu dùng đã tận dụng cơ hội "vàng" để chọn mua xe "nội" nhằm được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022. Đặc biệt, chính sách này không chỉ tăng nhu cầu mua xe của người tiêu dùng mà còn khiến một số thương hiệu ô tô nhập khẩu tăng khuyến mại để cạnh tranh với xe sản xuất lắp ráp trong nước, qua đó góp phần thúc đẩy doanh số bán xe toàn thị trường của VAMA trong 5 tháng đầu năm tăng 39% so với năm 2021; trong đó xe du lịch tăng tới 57%...

(Theo: http://vietnambiz.vn/thang-cuoi-giam-50-le-phi-truoc-ba-thi-truong-o-to-viet-nam-chi-tang-truong-nhe-202261320744456.htm)