5 kinh nghiệm của cán bộ Hội khi hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

19/09/2024 09:58

anh-chi-tuyet-16557124114421159474774-65

Bà Phạm Thị Tuyết

Bà Phạm Thị Tuyết, Ủy viên Ban thường vụ Hội LHPN quận Tân Phú (TPHCM), phụ trách mảng hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tế trong thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”.

Hiểu rõ các khái niệm

Bà Tuyết cho biết: "Thuận lợi của tôi là phụ trách mảng hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế từ năm 2014. Đó là những tiền đề quan trọng, giúp tôi có kinh nghiệm khi thực hiện hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp theo đề án. Nhìn tổng thể vẫn là công việc đó nhưng nâng tầm cao hơn.

Thế nhưng, bước đầu nhận nhiệm vụ thực hiện đề án, tôi cũng cảm thấy hơi lúng túng. Lúc nghe chữ "Khởi nghiệp" cứ mường tượng là những điều gì đó rất to lớn, thường dành cho các bạn trẻ. Dần dà, tôi đi sâu tìm hiểu nghiên cứu qua các kênh truyền thông, cộng với Hội LHPN TPHCM gợi mở thêm hướng khởi sự kinh doanh, là bước đầu của khởi nghiệp. Từ đó, tôi xác định được đối tượng cụ thể để vận động, hỗ trợ. Kinh nghiệm rút ra đầu tiên là biến các khái niệm trở nên dễ hiểu, không còn trừu tượng, như vậy mọi thứ sẽ trở nên gần gũi.

Chọn đối tượng phù hợp

Kinh nghiệm tiếp theo là rà soát và tìm danh sách các đối tượng. Chọn đối tượng phù hợp và từ nhiều kênh, nắm bắt được nhu cầu của chị em. Chúng tôi chú trọng đối tượng "mẹ bỉm sữa". Họ là những người nghỉ việc ở nhà để sinh nở, nuôi con nhỏ. Khi con lớn thì họ muốn có công việc vừa chăm được con vừa có kinh tế. Hay những người đã kinh doanh nhưng muốn chuyển sang mặt hàng mới, khởi nghiệp ở lĩnh vực mới hoặc những đối tượng bán hàng online.

Tự tạo sức hút

Một trong những cách thức chúng tôi đã áp dụng là "tạo tiếng vang" để chị em tìm tới mình khi muốn khởi nghiệp. Nghĩa là tạo ra vài tiêu điểm, chọn hỗ trợ một số mô hình dưới phường và trực tiếp làm, trực tiếp giúp đỡ không phải giao cho các chị thường trực ở phường. Khi các chị nhận được hỗ trợ, khởi nghiệp suôn sẻ thì tự khắc chia sẻ, giới thiệu cho những chị em khác. Có thể lúc đầu các hoạt động chưa nhiều nhưng phải chất lượng. Từ đó, nhiều chị em khác sẽ nhìn thấy, thôi thúc động lực khởi nghiệp.

Xây dựng hệ sinh thái

Khi đối tượng khởi nghiệp kha khá, tôi tiến tới thành lập CLB khởi nghiệp. Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Tôi giúp đỡ trước rồi mới mời vào CLB, chứ không phải hô hào thành lập ngay từ đầu. CLB khởi nghiệp là thu phí hẳn hoi và chất lượng sinh hoạt được đầu tư. Các thành viên phải tham gia đầy đủ các hoạt động, tham gia một cách thực chất. Đổi lại, các thành viên sẽ được ưu tiên hỗ trợ hơn như quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ pháp lý cho nhau.

Nhạy và không ngại

Người cán bộ Hội làm công tác hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phải nhạy và không ngại. "Nhạy" là phải tranh thủ mọi cơ hội mang về chị em khởi nghiệp của Hội mình. Mỗi khi nghe được thông tin đơn vị nào tổ chức gian hàng, hội chợ là tôi mạnh dạn đề xuất hoặc đi xin cho CLB phụ nữ khởi nghiệp tham gia cùng, tìm kiếm cơ hội để quảng bá, học hỏi với các doanh nghiệp lớn.

Tất nhiên, các chị em khi tham gia phải cam kết bán giá tốt nhất, theo nghĩa "win - win" (đôi bên cùng có lợi). Phải mạnh dạn giới thiệu sản phẩm của chị em lên các fanpage, website, hội nhóm phù hợp. Không ngại những phản hồi không tích cực từ các sản phẩm đã giới thiệu. Phải nói rõ vấn đề Hội là người kết nối. Hỗ trợ phi lợi nhuận, không có lấy phần trăm hoa hồng gì cả. Miễn sao các chị được giới thiệu sản phẩm hộ phải giữ uy tín".

(Theo: http://phunuvietnam.vn/5-kinh-nghiem-cua-can-bo-hoi-khi-ho-tro-phu-nu-khoi-nghiep-20220620151235529.htm)