Các rủi ro đã xuất hiện nhiều hơn, kinh tế quý II sẽ tăng trưởng bao nhiêu?

04/11/2024 06:24

Các chuyên gia dự báo kinh tế sẽ đạt mức tăng từ 5,5 - 6% trong quý II bất chấp các rủi ro đã xuất hiện nhiều hơn.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau dịch trong bối cảnh áp lực lạm phát trên thế giới tiếp tục gia tăng và được dự báo khó giảm cho tới 2024. Triển vọng kinh tế thế giới kém lạc quan hơn với khả năng bước vào giai đoạn tăng trưởng thấp đi kèm lạm phát cao.

Mới đây, Mỹ công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 5 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981.

Còn trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu hôm 7/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022, từ 4,1% xuống còn 2,9% - thấp hơn đáng kể so với mức 4,1% đã được dự đoán hồi tháng 1 vừa qua.

Báo cáo đề cập đến các rủi ro hiện hữu gồm xung đột tại Ukraine, phong tỏa tại Trung Quốc, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và rủi ro lạm phát đình trệ (lạm phát cao - tăng trưởng chậm) trên toàn cầu.

Với kinh tế Việt Nam, tại phiên họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh chống lạm phát là vấn đề quan trọng, nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Bộ trưởng cũng cho biết Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt lạm phát. Ngoài ra Việt Nam tự chủ được lương thực thực phẩm - nhóm vốn chiếm 40% rổ hàng hóa, nên áp lực lạm phát ít hơn các nước khác.

Dự báo về tăng trưởng quý II và 6 tháng đầu năm, các chuyên gia của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) mới đây kỳ vọng tăng trưởng quý II đạt khoảng 5,56% - 6,5%, 6 tháng đầu năm đạt mức 5,4% - 5,78%. 

Trước đó hồi giữa tháng 5, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán VNDirect dự báo kinh tế Việt Nam quý II sẽ tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ.Trong nửa đầu năm 2022, dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ, giảm từ 5,6% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Trong khi đó, Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) dự báo GDP quý II tăng khoảng 4% (so với 5% trong quý I), phản ánh một số tác động của xuất khẩu do tăng trưởng toàn cầu chậm lại (đặc biệt, Trung Quốc phong tỏa) và tác động của chi phí đầu vào cao hơn đối với sản xuất.

Đề cập đến lạm phát tăng cao tại Mỹ có thể tiếp tục thúc đẩy sự chuyển dịch nhu cầu tiêu dùng hàng hóa sang các nhóm dịch vụ lưu trú và ăn uống tại quốc gia này, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đã hạ  
hạ dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ở mức 16-17% và nhập khẩu ở mức mức 14-15% vào cuối năm 2022. 

Về ba trụ cột chính của nền kinh tế, khu vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn trong quý II nhờ mở cửa trở lại các dịch vụ không thiết yếu (du lịch, vận tải công cộng, giải trí,...) và nhu cầu trong nước phục hồi sau khi Chính phủ nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội và cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%.

VNDirect dự báo ngành dịch vụ sẽ tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ trong quý II, cải thiện mạnh mẽ so với lần lượt 4,6% và 4,2% trong quý I/2022 và quý II/2021. 

Giá nguyên liệu đầu vào tăng sẽ tác động mạnh đến ngành công nghiệp và xây dựng trong quý II/2022 Công ty dự báo ngành này tăng trưởng 5,7% so với cùng kỳ trong quý II/2022, giảm từ mức 6,4% trong quý I/2022 và 10,4% trong quý II/2021. 

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản kỳ vọng tăng trưởng 2,1% so với cùng kỳ trong quý II. Mức tăng trưởng này thấp hơn mức tăng trưởng quý I/2022 là 2,4% do việc tăng giá thức ăn chăn nuôi có thể tác động mạnh đến hoạt động chăn nuôi trong quý II.

Có quan điểm lạc quan hơn, SSI Research cho rằng GDP sẽ bật tăng từ quý II theo xu hướng tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước dựa trên giả định chính về việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

Khối phân tích nhấn mạnh dữ liệu vĩ mô tháng 5 cho thấy triển vọng tích cực của Việt Nam trong năm 2022, mặc dù các rủi ro thị trường đã xuất hiện nhiều hơn. Các lĩnh vực liên quan đến thương mại là một trong những lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng, mặc dù tác động vẫn còn hạn chế do xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc. 

SSI Research duy trì triển vọng tăng trưởng GDP 6,8% cho năm 2022 và mức trên 6% trong quý II nhờ các yếu tố nền tảng thúc đẩy tăng trưởng vẫn duy trì tương đối mạnh. Bên cạnh tiêu dùng, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tích cực trong thời gian tới. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ lãi suất (nếu được áp dụng sớm) cũng là một động lực cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022.

(Theo: http://vietnambiz.vn/cac-rui-ro-da-xuat-hien-nhieu-hon-kinh-te-quy-ii-se-tang-truong-bao-nhieu-202261317624326.htm)